Đánh giá, phân loại và xử trí cấp cứu người bệnh nặng là kỹ năng vô cùng quan trọng đối với nhân viên y tế. Bên cạnh đó, nêu cao tinh thần, trách nhiệm của nhân viên y tế trong ứng phó, xử trí cấp cứu các trường hợp người bệnh nặng cũng là điều hết sức cần thiết. Bởi thực hiện tốt các kỹ năng này có thể giảm tỉ lệ tử vong ở người bệnh.
Tại Bệnh viện Việt Nam – Thuỵ Điển Uông Bí, công tác cấp cứu, điều trị người bệnh luôn được ưu tiên đặt lên hàng đầu. Để nâng cao năng lực trong nhận biết, đánh giá, phân loại và xử trí cấp cứu người bệnh nặng, nâng cao kỹ năng giao tiếp ứng xử của nhân viên y tế, đặc biệt trong các tình huống cấp cứu cần xử trí, ứng phó nhanh, trong tháng 10 và tháng 11 năm 2023, Bệnh viện Việt Nam – Thuỵ Điển Uông Bí đã tổ chức tập huấn “Nhận định và xử trí người bệnh cấp cứu; Quy tắc ứng xử, thái độ xử lý tình huống người bệnh nặng” cho đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, kỹ thuật viên các khoa lâm sàng trong toàn Bệnh viện. Trực tiếp giảng dạy tại lớp tập huấn có BSCKII. Lê Đức Điệp – Phó Giám đốc Bệnh viện và BSCKII. Nguyễn Thị Ngọc Điệp – Phó Giám đốc Bệnh viện – Phụ trách Trung tâm đào tạo & Chỉ đạo tuyến.
BSCKII. Lê Đức Điệp – Phó Giám đốc Bệnh viện giảng dạy tại lớp tập huấn
BSCKII. Nguyễn Thị Ngọc Điệp – Phó Giám đốc Bệnh viện – Phụ trách TTĐT&CĐT giảng dạy tại lớp tập huấn
Tại lớp tập huấn, nhân viên y tế đã được cập nhật các kiến thức về nhận định, đánh giá, phân loại và xử trí cấp cứu người bệnh nặng, cũng như xử trí cấp cứu ở người lớn và trẻ em. Theo đó, tại khoa Cấp cứu người bệnh sẽ được phân loại theo 3 mức độ: Người bệnh có dấu hiệu cấp cứu cần điều trị cấp cứu ngay lập tức; Người bệnh có dấu hiệu cần ưu tiên cần được khám ưu tiên, có thể trì hoãn cấp cứu nhưng phải được đánh giá và điều trị không chậm trễ và người bệnh không cấp cứu là những người bệnh không nặng, không có các dấu hiệu thuộc 2 nhóm trước. Nhân viên y tế cũng được cung cấp các kiến thức chuyên môn về nhận biết các dấu hiệu người bệnh cấp cứu khi có suy hô hấp cấp, suy tuần hoàn cấp, tổn thương thần kinh, sốc… với thứ tự ưu tiên cấp cứu A(Đường thở và cột sống), B (Kiểu thở), C (Tuần hoàn), D (Thần kinh), E(Toàn thân)… Ngoài ra, giảng viên cũng trao đổi về quy trình, cách thức xử trí trong các trường hợp cấp cứu thường gặp như: đuối nước, rắn cắn, điện giật, bỏng...
Trước đó, trong tháng 7/2023, Bệnh viện Việt Nam – Thuỵ Điển Uông Bí cũng đã phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cấp cứu nội khoa và ngoại khoa cho bác sĩ Bệnh viện.
Các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên tham gia lớp tập huấn
Các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên tham gia lớp tập huấn
Các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên tham gia lớp tập huấn
Các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên tham gia lớp tập huấn
Là một bác sĩ trẻ mới ra trường và công tác tại Bệnh viện gần 1 năm, Bs. Bùi Việt Anh – Khoa Nội tiêu hóa chia sẻ cảm nhận sau khi tham gia các lớp tập huấn: “Các kiến thức về nhận định và xử trí người bệnh cấp cứu tôi được học trong lớp tập huấn cũng là những kiến thức tôi đã được đào tạo trong trường Đại học, nhưng gắn liền với thực tế nhiều hơn. Điều này giúp tôi củng cố lại kiến thức chuyên môn của bản thân và cảm thấy tự tin hơn khi cấp cứu người bệnh tại khoa”.
Bs. Bùi Việt Anh – Khoa Nội tiêu hóa phát biểu ý kiến tại lớp tập huấn
ĐD. Lê Văn Quyết – Khoa Nội tim mạch phát biểu ý kiến tại lớp tập huấn
ĐD. Lê Văn Quyết – Khoa Nội tim mạch trước đây đã từng công tác tại khoa Cấp cứu hơn 3 năm cho biết: “Chúng tôi được giảng viên trao đổi, chia sẻ những kiến thức rất bổ ích. Trong đó có liên hệ những tình huống xử trí cấp cứu trước đây tôi đã từng gặp khi còn công tác tại khoa Cấp cứu của Bệnh viện. Nhờ vậy tôi có cơ hội rà soát lại kỹ năng của mình khi thực hiện quy trình cấp cứu người bệnh, điều này rất hữu ích trong trường hợp tôi cần xử trí người bệnh cấp cứu”.
Thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ là nhiệm vụ luôn được Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí quan tâm chú trọng. Qua các đợt tập huấn sâu rộng nâng cao kỹ năng xử trí cấp cứu người bệnh, đặc biệt đối với người bệnh nặng đã giúp đội ngũ nhân viên y tế Bệnh viện củng cố, trau dồi kiến thức, nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong công tác xử trí, cấp cứu người bệnh ngay từ khi tiếp nhận ban đầu. Qua đó đảm bảo thực hiện đúng quy chế, quy trình chuyên môn, không ngừng nâng cao chất lượng cấp cứu, khám chữa bệnh tại Bệnh viện.