Viêm loét đại-trực tràng chảy máu là bệnh viêm mạn tính, gây ra tình trạng bị loét và chảy máu tại khu vực đại trực tràng, gây tổn thương lan tỏa lớp niêm mạc và dưới niêm mạc, vị trí chủ yếu ở trực tràng và giảm dần cho đến đại tràng phải.
Hình minh họa
Đây là một bệnh ngày càng phổ biến, nam và nữ đều có thể mắc bệnh như nhau, thường gặp ở lứa tuổi 15-30 và 60-70 tuổi. Bệnh hiện tại chưa rõ nguyên nhân nhưng được biết là có tính chất tự miễn. Bệnh có thể gây ra một số hậu quả nặng nề như thiếu máu, suy kiệt, thủng ruột, ung thư... thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Các biểu hiện của bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu?
Các triệu chứng của bệnh có thể kể đến bao gồm các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng như sau:
* Lâm sàng
- Đau bụng: có thể đau âm ỉ hoặc đau thành cơn, quanh rốn, dọc khung đại tràng
- Đầy chướng bụng khó chịu.
- Rối loạn đại tiện: Chủ yếu là đại tiện phân lỏng, nhiều lần trong ngày, phân sống có thể có nhày máu hoặc đại tiện phân táo bón, sau bãi phân có nhày máu hoặc táo lỏng xen kẽ; mót rặn, sau đại tiện đau hậu môn .
- Có thể gầy sút cân, sốt hoặc có tình trạng thiếu máu: da xanh nhợt, hoa mắt chóng mặt; cơ thể mệt mỏi
- Có thể có các dấu hiệu ngoài tiêu hóa: sưng đau các khớp, viêm màng bồ đào, viêm xơ hóa đường mật.
* Cận lâm sàng
- Xét nghiệm máu: Hồng cầu, huyết sắc tố có thể giảm tùy mức độ, có thể bạch cầu tăng cao, bạch cầu đa nhân trung tính tăng, máu lắng tăng.
- Xét nghiệm phân: Có thể thấy hồng cầu, bạch cầu
- Chụp Xquang khung đại tràng.
- Nội soi đại trực tràng: niêm mạc lần sần mất nhẵn bóng, dễ chảy máu; loét ổ nông hoặc sâu, có thể rải rác hoặc tập trung thành đám, có thể ở trực tràng, đại tràng sigma hoặc lan tỏa cả đại tràng, bề mặt loét có nhầy mủ, máu sẫm hoặc máu tươi, có thể tổn thương giả polyp. Đây là phương pháp hiện đại và chính xác giúp chẩn đoán và đánh giá mức độ tổn thương đại trực tràng; có thể sinh thiết trong khi nội soi đại trực tràng làm giải phẫu bệnh để chẩn đoán nguyên nhân và phân biệt..
Bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu có thể gây ra những biến chứng gì?
- Các biến chứng thường thấy là người bệnh bị suy kiệt, thiếu máu, sốc do nhiễm độc, có thể thủng đại tràng trong trường hợp nặng.
- Các biến chứng nhẹ của ruột là giả polyp, chỉ xảy ra trong 20% trường hợp, các biến chứng ít gặp hơn là nứt hậu môn, rò và áp-xe hậu môn.
- Các biến chứng nặng của ruột là chảy máu trầm trọng, hẹp đại tràng, phình đại tràng nhiễm độc, thủng và có thể đưa đến ung thư.
- Một số biến chứng khác như viêm khớp, hồng ban nút, viêm da mủ hoại thư, viêm xơ đường mật tiên phát, viêm thận, bể thận và sỏi, trong đợt cấp nặng của viêm loét đại trực tràng chảy máu lan rộng có thể có biến chứng đông máu rải rác nội mạch.
Điều trị bệnh như thế nào?
- Dùng thuốc: Thông thường, trong viêm loét đại trực tràng chảy máu, các thuốc thường được dùng phối hợp là corticoid, sulfasalazin và các dẫn chất của nó, azathioprin, cyclosporine theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, tùy theo tình trạng, giai đoạn của bệnh, tổng trạng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc cụ thể.
- Phẫu thuật cắt bỏ đại tràng là biện pháp duy nhất để điều trị khỏi bệnh hoàn toàn, thường được áp dụng trong trường hợp nặng gây nhiễm độc, nguy cơ thủng đại tràng hoặc khi bệnh không đáp ứng với điều trị bằng thuốc.
- Ngoài ra, bệnh nhân cần thực hiện các chế độ dinh dưỡng tốt cho hệ tiêu hóa, tránh stress, không dùng các chất kích thích, uống đủ nước và khám sức khỏe định kỳ sẽ là những biện pháp giảm nguy cơ mắc bệnh.
Do viêm loét đại trực tràng có các biểu hiện giống như bệnh thông thường khác nên người bệnh thường chủ quan nhập viện muộn khiến cho việc điều trị khó khăn. Chính vì vậy việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời là điều vô cùng cần thiết để tránh gây các biến chứng nguy hiểm.
Bs. Nguyễn Thị Thanh Hương - Khoa Nội tiêu hoá