Thai kỳ có những thay đổi sinh lý bình thường, các xét nghiệm sinh hóa sử dụng trong giai đoạn này có vai trò quan trọng trong quản lý thai nghén.
1. Chức năng thận
- Mức lọc cầu thận tăng do đó làm tăng độ thanh thải ure, creatinne, acid uric nên nồng độ các chất này trong máu giảm nhẹ ở hầu hết phụ nữ mang thai.
- Trong thai kỳ, ngưỡng của ống thận giảm xét nghiệm xuất hiện đường niệu trong nước tiểu dễ gây nhầm lẫn trong chẩn đoán và điều trị. Protein niệu mất qua thận có thể tăng đến 300 mg/ngày
Các xét nghiệm sinh hóa sử dụng trong thai kỳ của người phụ nữ có vai trò quan trọng trong quản lý thai nghén (Hình ảnh minh họa)
2. Chức năng gan
- Trong thời kỳ mang thai, có thay đổi nhẹ điện giải đồ nhưng tăng đến 40% trihlyceride, cholesterol, phospholipid và acid béo tự do huyết thanh. Hoạt độ cholinesterase huyết thanh giảm nhưng ALP tăng gấp nhiều lần do tăng sinh nguồn gốc từ rau thai.
- Các rối loạn chức năng gan đặc hiệu ở thời kỳ này là ứ mật trong gan của thai kỳ, tiền sản giật, HELLP, gan nhiễm mỡ cấp, viêm gan siêu vi làm cho các men AST và ALT sẽ tăng cao. Tất cả các nguyên nhân này đều gây nguy hiểm cho mẹ và con.
3. Chuyển hóa calci
- Do tăng thể tích dịch ngoại bào nên các chỉ số xét nghiệm về calci toàn phần, phosphate và magne thường thấp nhưng vẫn trong giới hạn tham chiếu. Nồng độ calci toàn phần bị ảnh hưởng do giảm albumin máu, nên khi có nghi ngờ về kết quả calci toàn phần, có thể tham khảo kết quả calci ion hóa.
- Cường cận giáp mặc dù hiếm gặp trong thai kỳ nhưng vẫn là nguyên nhân gây tăng calci máu trong thai kỳ phổ biến nhất.
4. Chuyển hóa carbohydrate và đái tháo đường trong thai kỳ
- Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp glucose máu khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong lúc mang thai, không loại trừ những trường hợp đã có rối loạn dung nạp glucose máu từ trước nhưng chưa phát hiện
- Nhiều nghiên cứu cho thấy ở bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ khi làm nghiệm pháp dung nạp glucose, đỉnh sớm của tiết insulin và đáp ứng tiết insulin đối với kích thích tăng đường huyết đều giảm so với phụ nữ không bị đái tháo đường thai kỳ. Ngoài ra nồng độ proinsulin cũng cao hơn, chứng tỏ bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ có sự giảm tiết insulin ngoài các bất thường do thai nghén gây ra.
5. Thay đổi hormone
- Thai kỳ gây ra một số thay đổi đáng kể về hormone, làm khó khăn trong việc biện luận kết quả. Những thay đổi hormone xảy ra liên tục tiếp sau pha hoàng thể của chu kỳ kinh, khi có thai, nồng độ progesterone và estrogen tiếp tục tăng, gây ức chế LH và FSH.
6. Chức năng tuyến giáp
- Về sinh lý, 3 tháng đầu của thai kỳ, TSH thường giảm do b-hCG kích thích thụ thể TSH, ở 3 tháng giữa, TSH trở về mức trước khi có thai và sau đó tăng nhẹ vào 3 tháng cuối. Thyroxin tự do giảm nhẹ và rõ nhất vào 3 tháng cuối của thai kỳ.
- Các rối loạn tạm thời chức năng tuyến giáp rất hay gặp và rất ít khi được phát hiện. Nếu mẹ có tự kháng thể kháng TSH, thai nhi có thể bị suy giáp tạm thời. Nếu người mẹ mắc hội chứng Grave thì kháng thể có thể xâm nhập vào thai nhi qua rau thai gây cường giáp thai nhi.
Những biến đổi về chức năng thận, gan, chuyển hóa carbohydrate, protein và nhất là về các hormon, cần phải thận trọng khi đánh giá kết quả vì ảnh hưởng đến quyết định điều trị cho sản phụ và con.