Ngã là một tai nạn thường gặp có thể xảy ra với bất kỳ ai và ở bất kỳ lứa tuổi nào. Tuy nhiên thường xảy ra ở người cao tuổi hoặc trẻ nhỏ, người khuyết tật hoặc người bệnh đang điều trị trong Bệnh viện. Khi đau, yếu các chức năng bảo vệ cơ thể bị suy giảm, do đó trong quá trình vận động, nguy cơ ngã luôn có thể xảy ra. Ngã làm cho người bệnh suy giảm chức năng, tăng gánh nặng bệnh tật, kéo dài thời gian điều trị, ngã có thể dẫn đến thương tích trầm trọng hoặc tử vong.
Nguyên nhân ngã ở người bệnh thường xảy ra do nhiều yếu tố, trong đó phổ biến là: Suy giảm sinh lý, miễn dịch, yếu cơ, mất thăng bằng, hạ huyết áp tư thế, suy giảm thị lực, uống rượu… Ngoài ra các yếu tố từ môi trường sống như cầu thang, nhà tắm không có tay vịn/thanh nắm, buồng bệnh/hành lang không đủ ánh sáng hoặc quá chói, đồ dùng không để gọn gàng, nhà tắm trơn trượt hoặc sàn không bằng phẳng, quần áo, giày dép kích cỡ không phù hợp, độ cao giường bệnh… Một yếu tố khác do tác dụng phụ của một số thuốc như: thuốc chống trầm cảm, chống loạn thần, thuốc ngủ, thuốc điều trị sa sút trí tuệ, parkinson… cũng là nguy cơ gây ngã cho người bệnh. Tại Bệnh viện Việt Nam –Thụy Điển Uông Bí, ngã chiếm 5,5% - 5,7% số ca sự cố y khoa.
Để phòng ngừa ngã cho người bệnh, Bệnh viện Việt Nam –Thụy Điển đã xây dựng quy định phòng ngừa ngã tại bệnh viện. Theo đó 100% người bệnh vào viện được nhân viên y tế khai thác tiền sử và đánh giá nguy cơ ngã. Theo từng thời điểm, từng giai đoạn người bệnh được đánh giá lại nguy cơ để can thiệp phù hợp với tình trạng bệnh lý như sau phẫu thuật, thủ thuật hoặc khi tình trạng bệnh lý thay đổi. Dựa trên kết quả đánh giá nguy cơ ngã, nhân viên y tế lập kế hoạch chăm sóc, theo dõi.
Bảng điểm đánh giá nguy cơ ngã
Các bước can thiệp khi NB có nguy cơ
Với người bệnh có nguy cơ ngã Bệnh viện có các giải pháp: Sử dụng giường bệnh có thanh chắn, quy định mã màu phân biệt tình trạng người bệnh như: Người bệnh có nguy cơ ngã trung bình được treo biển cảnh báo màu vàng, người có nguy cơ ngã cao được treo biển màu đỏ tại đầu giường, thống nhất và tuyên truyền cho nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh để phối hợp hỗ trợ người bệnh. Bên cạnh đó thực hiện 5S để đảm bảo khoa, phòng gọn gàng ngăn nắp, không có đồ dùng, chướng ngại vật trên sàn nhà, lối đi. Quần áo, giầy dép của người bệnh được quan tâm, chú ý sắp xếp vừa kích cỡ. Tư vấn dinh dưỡng, giáo dục sức khỏe giúp người bệnh thay đổi lối sống, nâng cao thể trạng. Ngoài ra, Bệnh viện cũng xây dựng bản “Hướng dẫn các giai đoạn theo dõi và xử trí người bệnh sau khi ngã trong vòng 72 giờ”.
Bên cạnh đó việc kiểm tra, giám sát tuân thủ quy định ngã cũng được bệnh viện quan tâm tổ chức thực hiện hàng quý.
Để đảm bảo an toàn cho người bệnh tại Bệnh viện, phòng ngừa các sự cố y khoa nói chung và phòng ngừa ngã nói riêng:
+ Nhân viên y tế: Tuân thủ các quy định phòng ngừa ngã mà bệnh viện đã xây dựng và ban hành, hướng dẫn, hỗ trợ người bệnh và người nhà cùng tuân thủ.
+ Người bệnh, người nhà người bệnh lắng nghe tư vấn, hướng dẫn và hợp tác với nhân viên y tế để để đảm bảo an toàn cho chính mình và người thân của mình.
Chung tay vì sự an toàn của người bệnh
Hướng dẫn các giai đoạn theo dõi người bệnh sau khi ngã