Táo bón là tình trạng hay bệnh lý phổ biến nhất trong số các bệnh lý về đường tiêu hóa, hầu hết ai cũng hơn một lần bị táo bón trong đời.
Hình minh họa
Táo bón là gì?
Bình thường, một người từ trẻ con (trừ trẻ còn bú mẹ) đến người lớn sẽ đi đại tiện ít nhất 1 lần/ngày, phân thành khuôn, không phải rặn nhiều, đại tiện xong thấy thoải mái. Khi một cá nhân thấy đi đại tiện khó, phân rắn, rặn lâu mới ra phân, số lần đại tiện ít hơn 2 lần/1 tuần ở người lớn và ít hơn 3 lần 1 tuần ở trẻ con thì phải nghĩ đến táo bón. Táo bón được chia thành 2 nhóm: táo bón nguyên phát và táo bón thứ phát. Khoảng 15% dân số bị ảnh hưởng bởi táo bón, nữ mắc nhiều hơn nam, đặc biệt là người trên 65 tuổi. Đại tràng và trực tràng là những phần ruột liên quan chính đến chứng táo bón của chúng ta.
1. Nguyên nhân táo bón
• Loại nguyên phát
Táo bón nguyên phát được chia làm 2 loại: loại gây ra bởi chậm lưu thông bã thức ăn trong lòng đại tràng và loại gây ra bởi rối loạn hoạt động tống phân ra khỏi lòng trực tràng, loại này liên quan rất nhiều đến các cơ của hậu môn và sàn chậu.
• Loại thứ phát
Táo bón là triệu chứng của một bệnh lý cụ thể nào đó như: u đại tràng, phình đại tràng, tiền sử chấn thương, phẫu thuật vùng sàn chậu, sa trực tràng kiểu túi, mất nước, nhược giáp, đái tháo đường... Ngoài ra, người bệnh đang dùng những thuốc trị bệnh như: thuốc chống trầm cảm, giảm đau họ morphin, hạ huyết áp, có thai 3 tháng cuối… cũng gây ra tình trạng táo bón.
2. Tiêu chuẩn chẩn đoán táo bón
Một người có từ 2 dấu hiệu dưới đây và kéo dài trên 6 tháng sẽ được chẩn đoán là táo bón:
• Đại tiện < 3 lần mỗi tuần.
• Phải rặn nhiều, tỷ lệ thời gian rặn mỗi lần đại tiện trên 25%.
• Phân lổn nhổn, khô cứng.
• Cảm giác phân bị mắc lại trong trực tràng.
• Cảm giác đại tiện không hết.
• Đôi khi phải dùng tay móc phân ra.
Bác sĩ sẽ phải hỏi và khám bệnh tỷ mỉ, chi tiết để tìm các yếu tố thuận lợi hay các bệnh lý liên quan gây ra tình trạng táo bón của người bệnh và chỉ định các xét nghiệm phù hợp. Đặc biệt là phải loại trừ cho được táo bón thứ phát rồi mới tìm nguyên nhân của táo bón tiên phát.
3. Các xét nghiệm cần làm để chẩn đoán sâu hơn về táo bón tiên phát
Sau khi người bệnh được chẩn đoán táo bón, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh làm thêm những xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán nguyên nhân của táo bón. Nếu thầy thuốc hướng đến nguyên nhân do chậm lưu thông (ì đại tràng) của bã thức ăn trong lòng đại tràng thì người bệnh sẽ được uống vài viên Sitzmarks là một dạng viên nhộng trong chứa các vòng cản quang để chụp quang ổ bụng sau đó để đánh giá. Nếu nguyên nhân trên được loại trừ thì các xét nghiệm khác sẽ được làm như: nghiệm pháp tống bóng, đo phản xạ đại tiện, điện cơ hậu môn trực tràng, chụp xquang hoặc cộng hưởng từ động của trực tràng (Decography). Những kết luận có thể là: táo bón do giảm phản xạ đại tiện của trực tràng, bất đồng vận các nhóm cơ của hậu môn trong phản xạ đại tiện (anismus, paradoxical contraction).
4. Điều trị táo bón
Táo bón triệu chứng hay táo bón thứ phát thì điều trị theo bệnh lý mà người bệnh đang mắc.
Táo bón nguyên phát điều trị theo cấp độ tăng dần.
Đầu tiên bác sĩ thường khuyên người bệnh điều chỉnh chế độ ăn giàu chất xơ, uống đủ nước, tập thói quen đại tiện vào một khung giờ nhất định, hoặc dùng thuốc nhuận tràng.
Phương pháp vật lý trị liệu như: tập phản xạ đại tiện trên máy (biofeedback), kích điện hậu môn trực tràng, sóng giao thoa.
Biện pháp can thiệp. Trường hợp người bệnh được chẩn đoán xác định là anismus nếu các biện pháp trên không hiệu quả thì thầy thuốc có thể phải áp dụng cách điều trị bằng tiêm Botox vào cơ mu trực tràng hoặc phẫu thuật cắt bán phần đai cơ mu trực tràng.
5. Kết luận
Táo bón là bệnh lý rất phổ biến, chẩn đoán chính xác nguyên nhân táo bón đòi hỏi phải có kiến thức rất sâu rộng để không nhầm lẫn hay bỏ lọt những táo bón thứ phát nguy hiểm. Điều trị táo bón theo cấp độ tăng dần.
6. Lời khuyên
Khoa Ngoại tiêu hóa và Tổng hợp của Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí là nơi có đội ngũ bác sỹ giàu kinh nghiệm về chẩn đoán và điều trị các bệnh lý về hậu môn trực tràng như: táo bón, trĩ, rò hậu môn... chúng tôi luôn luôn tâm huyết và sẵn lòng phục vụ người bệnh một cách tốt nhất.
Ts. Bs. Vũ Đức Thụ - Trưởng khoa Ngoại tiêu hoá & Tổng hợp