Môi trường Bệnh viện bao gồm cả yếu tố về con người, trang thiết bị, dụng cụ, vật tư tiêu hao, cơ sở vật chất (phòng bệnh, phòng xét nghiệm, tường, sàn nhà,…), nước, không khí... Môi trường Bệnh viện phải là nơi sạch sẽ, ngăn nắp và đẹp mắt mới có thể tạo cảm giác thoải mái cả về thể chất lẫn tinh thần cho người bệnh trong khi điều trị và nhân viên y tế trong quá trình công tác. Bệnh viện còn phải là một môi trường an toàn cho tất cả mọi người khi tới khám, chữa bệnh, thăm bệnh và làm việc, cũng như an toàn cho cộng đồng xung quanh. Do vậy, thực hành tốt vệ sinh môi trường trong Bệnh viện điều vô cùng quan trọng và cần thiết tại các cơ sở y tế.
Nhiều nghiên cứu cho thấy môi trường bề mặt ô nhiễm là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự lan truyền mầm bệnh gây ra các vụ dịch trong Bệnh viện. Vi sinh vật gây ô nhiễm môi trường bề mặt thường gặp như Clostridium difficile, enterococci kháng vancomycin, Staphylococcus aureus kháng methicillin (MRSA), Acinetobacter baumannii, Pseudomonas aeruginosa, norovirus..
Nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường bề mặt là do việc phát tán vi sinh vật gây bệnh từ người bệnh, nhân viên y tế nhiễm khuẩn hoặc mang vi sinh vật định cư vào môi trường qua các hoạt động chăm sóc, điều trị.
Việc vệ sinh môi trường Bệnh viện nhằm mục đích: Làm sạch môi trường trong Bệnh viện; Giảm nguy cơ lây nhiễm cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng; Đảm bảo an toàn trong chăm sóc và điều trị người bệnh. Vì vậy khi thực hiện vệ sinh môi trường Bệnh viện, cần nắm rõ các nguyên tắc vệ sinh bề mặt, buồng bệnh, khoa phòng như sau:
+ Nhân viên y tế khi thực hiện nhiệm vụ vệ sinh phải mang đầy đủ phương tiện bảo hộ cá nhân: khẩu trang, găng tay, mũ, áo choàng, ủng...
+ Làm ẩm đối với mọi quy trình vệ sinh, không quét khô.
+ Thu gom rác trước khi lau, vệ sinh bề mặt.
+ Làm vệ sinh đi từ khu sạch nhất đến khu bẩn nhất, từ trên xuống dưới và từ trong ra ngoài.
+ Sử dụng dụng cụ vệ sinh riêng cho từng khu vực.
+ Cần làm vệ sinh ngay những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao (khi có vương vãi máu hoặc các chất tiết, dịch cơ thể của bệnh nhân).
+ Không làm vệ sinh tại buồng bệnh khi có nhân viên y tế đang thực hiện kỹ thuật thăm khám và điều trị.
+ Sau khi làm vệ sinh, giẻ lau cần được giặt sạch, phơi khô dưới nắng, khu vực nguy cơ cao cần sử dụng tải lau nhà dùng một lần, có máy giặt riêng.
+ Sử dụng đúng loại dung dịch làm sạch và khử khuẩn đúng nồng độ đã quy định.
Cải thiện chất lượng vệ sinh môi trường bề mặt sẽ góp phần giúp giảm nhiễm khuẩn Bệnh viện và kiểm soát các vụ dịch có thể xảy ra trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.