Phospho là một khoáng chất cần thiết cho nhiều quá trình chuyển hoá trong cơ thể. Cân bằng nội môi phospho là một quá trình phức tạp.
Người trưởng thành có xấp xỉ 600g (19,4 mol) phospho tồn tại trong các hợp chất phosphat vô cơ và hữu cơ, trong đó 85% phosphat tồn tại trong bộ xương, phần còn lại có ở mô mềm. Huyết tương bao gồm cả phosphat vô cơ và hữu cơ, nhưng trên lâm sàng ta chỉ định lượng phosphat vô cơ.
Phosphat vô cơ tồn tại ở dạng H2PO4- và HPO42-, xấp xỉ 10% phosphat huyết thanh liên kết với protein, 35% liên kết với kali, calci và magie; phần còn lại khoảng 55% là dạng tự do. Este phosphat hữu cơ tồn tại trong các thành phần tế bào máu.
Phosphat vô cơ là thành phần chính của hydroxyapatit ở xương, do đó đóng vai trò quan trọng trong nâng đỡ cơ thể và cung cấp phosphat cho các khoang nội bào và ngoại bào. Ở mô mềm, phần lớn phosphat thuộc tế bào.
Theo khuyến cáo, giá trị tham chiếu của xét nghiệm định lượng Phospho trong máu ở người bình thường hiện nay:
+ Người trưởng thành: 0,81 – 1,45 mmol/L (hoặc 2,5 - 4,5 mg/dL)
+ Trẻ em: 1,29 – 2,26 mmol/L (hoặc 4,0 – 7,0 mg/dL)
Hạ phosphat máu thường gặp ở những bệnh nhân nội trú với những nguyên nhân như:
+ Sự di chuyển của phosphat từ khu vực ngoại bào sang khu vực nội bào hay gặp nhất.
+ Đào thải phosphat qua đường thận
+ Giảm tái hấp thu ở ruột
+ Mất phosphat nội bào
Phosphat máu thường tăng thứ phát sau bất thường của thận đối với việc bài tiết phosphat. Trong suy thận cấp hoặc mạn tính, giảm mức lọc cầu thận dẫn tới giảm bài tiết phosphat qua thận, kết quả làm tăng phosphat máu. Tăng nguồn vào hoặc dịch chuyển vào trong máu làm tăng phosphat máu. Quá liều phosphat chỉ định qua đường uống, đường hậu môn hoặc truyền tĩnh mạch để điều trị việc thiếu hụt phosphat máu là những nguyên nhân thường gặp gây tăng phosphat máu. Giải phóng phosphat do vỡ tế bào trong các trường hợp myoglobin niệu kịch phát, tan máu trong mạch hoặc hóa trị liệu một số bệnh lý ác tính nhất định có thể gây ra tăng phosphat máu. Tăng phosphat máu cũng liên quan đến nhiễm acid chuyển hóa, là do sự phân hủy các hợp chất phosphat hữu cơ trong tế bào với sự giải phóng phosphat ra huyết tương.
Biểu hiện lâm sàng của tăng phosphat máu phụ thuộc vào tốc độ tăng. Tăng phosphat huyết thanh nhanh chóng có thể liên quan tới tình trạng hạ calci máu. Do đó triệu chứng đầu tiên là các cơn tetany, cơn động kinh và tụt huyết áp. Tăng phosphat máu kéo dài có thể liên quan tới cường tuyến cận giáp thứ phát, viêm xương và sự vôi hóa mô mềm của thận, mạch máu, giác mạc, da và mô mạch ngoại vi.
Xét nghiệm định lượng phospho trong máu mang ý nghĩa và vai trò rất quan trọng giúp phát hiện kịp thời tình trạng thiếu hoặc thừa phospho máu, từ đó có biện pháp điều trị kịp thời, phòng tránh được các biến chứng do rối loạn nồng độ phospho.
Khoa Hoá sinh