Các bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở các nước đang phát triển và có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Xét nghiệm CK-MB và tỷ số CK-MB/CK (%) là một dấu ấn của tổn thương cơ tim, các bác sĩ có thể chỉ định thực hiện xét nghiệm khi nghi ngờ bệnh nhân có tổn thương cơ tim và có nồng độ CK trong máu cao.
CREATIN KINASE (CK) VÀ CK-MB
Creatin Kinase (CK) còn được gọi là Creatin Phosphokinase (CPK), enzyme này đặc hiệu với cơ và không chỉ của cơ tim. Sự tăng hoạt độ CK trong máu luôn là dấu hiệu của bệnh về cơ tim và/hoặc cơ xương.
Trong nhồi máu cơ tim, tăng CK thường xảy ra trước khi tăng các transaminase và LDH. Hoạt độ CK toàn phần điển hình sẽ tăng ngay từ giờ thứ 4 sau khi bị nhồi máu (4-8 giờ), với mức đỉnh ở giờ thứ 12 – 36 sau khi bị nhồi máu. Hoạt độ CK thường tăng cao trong khoảng 2 – 3 ngày và trở lại giá trị bình thường vào khoảng ngày thứ 4.
Nhờ các kỹ thuật điện di hay sắc ký, có thể tách biệt CK thành 3 loại isoenzym khác biệt:
- CK-BB (CK1) được thấy trong não và cơ trơn của phổi.
- CK-MB (CK2) khu trú chủ yếu trong cơ tim.
- CK-MM (CK3) được thấy chủ yếu trong các cơ vân
Isoenzyme CK-MB có tỷ lệ cao ở cơ tim so với cơ xương, ở cơ tim chứa khoảng 25-30% CK-MB (tim phải chứa nhiều CK-MB hơn tim trái). Khi cơ tim bị tổn thương, CK-MB từ các tế bào cơ tim bị hủy hoại sẽ nhanh chóng được giải phóng vào máu. Thời gian bán hủy của CK- MB trong huyết tương là khoảng 12 giờ. Việc thực hiện xét nghiệm CK-MB nhằm mục đích chẩn đoán sớm nhồi máu cơ tim.
Xét nghiệm CK-MB và tỷ số CK-MB/CK (%) là một dấu ấn của tổn thương cơ tim (Hình ảnh minh họa)
CK-MB NÊN THỰC HIỆN KHI NÀO?
Xét nghiệm định lượng hoạt độ CK-MB thường được chỉ định cùng hoặc sau một xét nghiệm CK toàn phần ở người bị nghi ngờ bị tổn thương cơ tim, đặc biệt là các trường hợp:
- CK-MB thường được chỉ đinh để chẩn đoán sớm nhồi máu cơ tim (myocardial infarction - MI) ở các bệnh nhân có các dấu hiệu lâm sàng và điện tâm đồ của bệnh lý;
- CK-MB cũng được chỉ định để chẩn đoán nhồi máu cơ tim lại (re-infraction) hoặc nhồi máu kéo dài (infarct extension);
- CK-MB còn được chỉ định để theo dõi hiệu quả của liệu pháp tan cục máu (thrombolytic therapy);
- Để phân loại nguy cơ ở bệnh nhân bị đau thắt ngực (angina pectoris);
- Bệnh nhân nghi bị viêm cơ tim (myocarditis).
Ý NGHĨA CỦA XÉT NGHIỆM CK-MB VÀ TỶ SỐ CK-MB/CK (%) TRÊN LÂM SÀNG
- Nồng độ CK- MB huyết tương thường tăng trong khoảng thời gian từ 3 - 6 giờ sau nhồi máu cơ tim. Mức độ tăng tối đa của CK-MB là sau 12 - 24 giờ và sau đó nó trở lại bình thường trong khoảng từ 48 - 72 giờ sau khi bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim.
- Khoảng 2⁄3 số bệnh nhân vẫn còn tăng CK-MB so với bình thường sau 72h. Để xác định giá trị cực đại, nên thực hiện mẫu xét nghiệm thường xuyên- khoảng 6h một lần. Giá trị cực đại ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim cao tuổi cao hơn bệnh nhân nhồi máu cơ tim trẻ tuổi. Có khoảng 5% bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim (đặc biệt là những bệnh nhân cao tuổi) có hoạt độ CK-MB tăng cao rõ rệt trong khi CK vẫn ở mức bình thường.
- Nếu nghi bệnh nhân có nhồi máu cơ tim lặp lại hoặc tổn thương cơ tim vẫn đang diễn ra, cần làm lặp lại xét nghiệm CK và CK-MB theo thời gian (3, 6, 9 giờ sau xét nghiệm lần đầu), nồng độ trong máu có thể tăng lên.
- Nếu hoạt độ CK-MB cao và tỷ lệ CK-MB/CK ≥ 2,5-3 %, có khả năng cơ tim bị tổn thương. Điều này có thể gặp trong nhồi máu cơ tim (myocardial infarction), tổn thương cơ tim cấp (acute myocardial damage), viêm cơ tim (myocarditis), viêm màng trong tim (endocarditis), viêm màng ngoài tim (pericarditis), cơn đau thắt ngực không ổn định (unstable angina), …
- CK và CK-MB cũng tăng trong các tổn thương cơ tim do các nguyên nhân khác như chấn thương, phẫu thuật hoặc giảm oxy (do thiếu máu cục bộ cơ tim).
- CK-MB có thể được sử dụng hữu ích hơn TnT trong theo dõi nhồi máu lại hoặc nhồi máu kéo dài bởi vì sự tăng mức độ CK-MB chỉ kéo dài 2-3 ngày sau nhồi máu cơ tim, trong khi sự tăng TnT có thể kéo dài đến 14 ngày. Như vậy, nếu nhồi máu cơ tim tái phát sớm, CK-MB đã giảm lại lập tức tăng lên, còn nếu nhồi máu cơ tim kéo dài thì sau 3 ngày, hoạt độ CK-MB vẫn còn cao.