Kháng nguyên ung thư biểu mô phôi (CEA) là một dấu ấn ung thư nhiều giá trị, thường được sử dụng trong tiên lượng và chẩn đoán ung thư đại trực tràng, dạ dày, phổi, vú, tuỵ…
1. CEA là gì?
CEA - Carcinogembryonic antigen là một glycoprotein được phát hiện lần đầu bởi Gold và Freeman năm 1965.
Ở người lớn, CEA bình thường được tìm thấy với một hàm lượng rất nhỏ trong máu và xu hướng tăng cao khi bị các bệnh lý ác tính. CEA được sản xuất bởi:
+ Biểu mô phôi và thai, nồng độ chất này tăng lên trong thời gian có thai với nồng độ đỉnh cao ở tuần thai 22, rồi giảm dần đạt tới giá trị bình thường ở tuần thứ 40.
+ Các tế bào ruột (biểu mô tuyến, nhất là niêm mạc đường tiêu hoá): với một lượng nhỏ, CEA được các tế bào Kupffer của gan thanh thải.
2. Ý nghĩa của xét nghiệm định lượng CEA trong máu trên lâm sàng
- Theo dõi hiệu quả điều trị, tiên lượng và đánh giá tái phát ung thư đại trực tràng ở bệnh nhân ung thư đại trực tràng đã được chẩn đoán. Ngoài ra, nồng độ CEA cũng tăng trong nhiều loại ung thư khác như phổi, vú, đường tiết niệu, buồng trứng, tuỵ, dạ dày,…
- Trong ung thư đại trực tràng, xét nghiệm CEA trước điều trị giúp tiên lượng, xác định giai đoạn phát triển của bệnh trên lâm sàng thông qua sự tăng một cách ổn định nồng độ CEA từ 5-10 lần ở bệnh nhân, đặc biệt là đánh giá mức độ di căn trong suốt quá trình điều trị và diễn biến bệnh (CEA thường tăng cao một vài tháng trước khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng).
- Định lượng CEA được khuyến cáo chỉ định 3 tháng/lần trong vòng 2 năm đầu sau phẫu thuật cắt bỏ ung thư đại trực tràng, tình trạng giảm trở về bình thường sau phẫu thuật ở một bệnh nhân có tăng nồng độ CEA trước mổ mang ý nghĩa tiên lượng tốt, trái lại CEA vẫn tiếp tục tăng sau phẫu thuật chỉ dẫn vẫn còn khối u hoặc tế bào ung thư chưa loại bỏ.
- Đối với các loại ung thư khác như phổi, vú, đường tiết niệu, buồng trứng, tuỵ, dạ dày,… CEA có giá trị theo dõi di căn. Ung thư vú phát hiện sớm, khi còn khu trú, nồng độ CEA không tăng. Với ung thư phổi không tế bào nhỏ, CEA còn có giá trị chẩn đoán và theo dõi điều trị.
- Nồng độ CEA cũng tăng ở một số trường hợp không liên quan đến ung thư như hút thuốc lá, phì đại lành tính, xơ gan, bệnh lý khác gan, loét dạ dày, sử dụng một số thuốc (thuốc điều trị ung thư, thuốc gây độc cho gan,..)…và ngược lại không phải tất cả các loại ung thư CEA đều tăng, do vậy, xét nghiệm định lượng CEA trong máu không được sử dụng để sàng lọc ung thư. Tuy nhiên, trong trường hợp lâm sàng nghi bệnh nhân có khối u ác tính, xét nghiệm nồng độ CEA tăng là một dữ liệu bổ sung thêm để bác sĩ điều trị đưa ra các xét nghiệm thăm dò khác tìm khối u nguyên phát.
3. Xét nghiệm định lượng CEA trong máu.
- Xét nghiệm định lượng CEA có thể được chỉ định khi:
+ Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư đại trực tràng, dạ dày, phổi,.. CEA sẽ được định lượng trước khi bắt đầu điều trị và theo dõi định kỳ để đánh giá hiệu quả điều trị, tiên lượng, phát hiện tái phát và di căn.
+ Đối với các bệnh nhân nghi ngờ ung thư nhưng chưa được chẩn đoán, định lượng CEA trong máu giúp cung cấp thông tin, định hướng chẩn đoán.
- Khoảng tham chiếu sinh học theo khuyến cáo của hãng Beckman Coulter là < 3.0 ng/ml (Giới hạn bình thường có thể thay đổi giữa các phòng xét nghiệm, các hệ thống máy phân tích)
Nhân viên khoa Hóa sinh Bệnh viện tiến hành làm xét nghiệm
4. Kết luận
- CEA là một dấu ấn ung thư glycoprotein
- CEA được sử dụng theo dõi hiệu quả điều trị, tiên lượng và tái phát của một số loại ung thư đặc biệt là ung thư đại trực tràng. Nồng độ CEA tăng trong ung thư đang tiến triển, giảm về mức bình thường sau phẫu thuật và tăng trở lại nếu có tái phát hoặc di căn.
- CEA cũng được sử dụng để tầm soát ung thư sớm với những bệnh nhân nghi ngờ nhưng chưa được chẩn đoán.
Tại Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí với đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng có trình độ chuyên môn cao ở nhiều lĩnh vực, trang thiết bị hiện đại, dịch vụ khám sức khoẻ định kỳ, tầm soát ung thư đa dạng đang ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám và điều trị của người bệnh.