Thời tiết chuyển mùa, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm tương đối cao khiến cơ thể con người chưa kịp thích nghi nên rất dễ mắc các bệnh cảm cúm thông thường do lạnh với những biểu hiện: Ho, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi, đau nhức cơ bắp, cảm giác gai rét, ớn lạnh sốt nhẹ. Theo Y học cổ truyền gọi là chứng “Cảm mạo phong hàn”.
Tại khoa Y học ổ truyền - Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển đã sử dụng “giác hơi” là một phương pháp điều trị cảm mạo phong hàn rất hiệu quả, không cần sử dụng thuốc, không gây tác dụng phụ.
Người bệnh được điều trị bằng phương pháp giác hơi tại khoa Y học cổ truyền
Đây là phương pháp dùng những chiếc cốc chuyên dụng đặt lên da người bệnh tạo ra áp suất âm trong cốc gây sung huyết mạch máu tại chỗ, giúp giảm đau, giảm viêm, giải độc, giải cảm, làm giảm nhanh cảm giác khó chịu khi bị cảm lạnh, từ đó cơ thể sẽ thấy khoan khoái thư giãn.
Phương pháp này được chỉ định trong điều trị các bệnh cảm mạo phong hàn. Tuy nhiên phương pháp này sẽ không được chỉ định trong các trường hợp sau: Chỗ da thịt bệnh bị lở loét, u bướu, hoặc thân thể gầy còm, da thịt mất sức co giãn; Các bệnh cấp cứu, ngoại khoa; Không giác vùng trước tim, đầu vú và vùng bụng dưới khi có thai. Người bệnh sẽ được điều trị theo liệu trình trong từ 3 đến 5 ngày; Giác hơi 1 lần/ngày, mỗi lần từ 10-15 ống giác.