Với sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật của ngành y nói chung, và lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh nói riêng, việc chẩn đoán bệnh lý viêm ruột thừa đã trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn rất nhiều. Nếu như các trường hợp viêm ruột thừa điển hình, qua hình ảnh siêu âm đã có thể phát hiện ra, hay thậm chí các bác sỹ lâm sàng cũng có thể phát hiện mà không cần sử dụng đến các phương pháp chẩn đoán hình ảnh. Với các trường hợp viêm ruột thừa ở vị trí không điển hình, việc sử dụng hình ảnh chụp cắt lớp vi tính (CT –Scanner) khảo sát cho nhiều thông tin rất có giá trị trong chẩn đoán bệnh lý ruột thừa và chẩn đoán phân biệt.
1. Ruột thừa là gì?
Ruột thừa có hình giống con giun dạng ống hẹp, một đầu tận, xuất phát từ chỗ hội tụ của của ba dải cơ dọc đại tràng ở mặt sau trong của manh tràng cách khoảng 2,5cm phía dưới của van hồi manh tràng. Chiều dài ruột thừa từ 1 - 25cm, trung bình 8 cm. Vị trí của ruột thừa có thể thay đổi, nằm ở trong tiểu khung, sau manh tràng, bờ dưới gan…
2. Vai trò của CT-Scanner
Chẩn đoán xác định viêm ruột thừa và các biến chứng, một số trường hợp có nguyên nhân (sỏi phân...).
Chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý vùng chậu có triệu chứng gần giống với viêm ruột thừa.
3. So sánh vai trò của CT-Scanner với siêu âm chẩn đoán:
Phương pháp siêu âm có những ưu điểm như: tiện lợi, nhanh chóng, không phóng xạ, chi phí thấp; Có thể chẩn đoán các bệnh lý khác cũng gây đau hố chậu phải. Nhưng nhược điểm của siêu âm là phụ thuộc vào bác sỹ và tình trạng bệnh nhân ( bệnh nhân béo phì, chướng hơi… ).
Tuy nhiên, nếu xét về độ nhạy, độ đặc hiệu và độ chính xác thì phương pháp CT-Scanner có ưu thế hơn:

4. Hình ảnh ruột thừa bình thường trên CT-Scanner.
Đường kính của ruột thừa bình thường từ 6 – 10 mm phụ thuộc vào các chất bên trong lòng với độ dày thành trung bình 1,5mm. Vậy nên, chẩn đoán viêm ruột thừa cấp không chỉ được dựa vào kích thuớc ruột thừa mà còn phải dựa vào hình ảnh của các dấu hiệu phụ. Hầu hết ruột thừa bình thường đều nhìn thấy được trên CT xoắn ốc không tiêm cản quang, và CT có thể loại trừ viêm ruột thừa khi thấy ruột thừa bình thường.
5. Hình ảnh ruột thừa viêm trên CT-Scanner.
Dựa vào các dấu hiệu: kích thước > 6mm, thành ruột thừa ( bao gồm dày thành và tăng ngấm thuốc ), thâm nhiễm mỡ mạc treo xung quanh, trong lòng chứa dịch, sỏi phân trong lòng ruột thừa, dày thành manh tràng.
Được chia thành nhiều cấp độ:
- Không nghĩ đến viêm ruột thừa: khi khẩu kính < 6mm, hoặc nếu > 6mm nhưng trong lòng chứa khí, lúc này cần tìm nguyên nhân khác gây đau hố chậu phải.
- Chưa loại trừ viêm ruột thừa: khẩu kính từ 6 - 10 mm, nhưng không kèm thêm bất kì dấu hiệu nào khác trên CT, lúc này cần theo dõi thêm.
- Khả năng viêm ruột thừa: khẩu kính cũng từ 6 - 10 mm, nhưng kèm thêm dấu hiệu dày thành và thành bắt thuốc mạnh.
- Chẩn đoán xác định viêm ruột thừa: khẩu kính > 10mm, hoặc từ 6 - 10 mm nhưng kèm thêm tất cả dấu hiệu: dày thành, bắt thuốc mạnh, thâm nhiễm mỡ).
6. Các bệnh lý cần phân biệt với viêm ruột thừa.
- Bệnh lý đường tiêu hóa: viêm túi thừa đại tràng, viêm bờm mỡ đại tràng, viêm túi thừa Meckel, u manh tràng, bệnh Crohn...
- Các bệnh lý phần phụ: viêm – áp xe phần phụ, thai ngoài tử cung...
- Bệnh lý đường tiết niệu: sỏi niệu quản, viêm bàng quang cấp...
- Một số bệnh lý khác: viêm hạch mạc treo, nhồi máu và áp xe mạc nối...
Hình 1: Hình ảnh ruột thừa căng to, trong lòng chứa đầy dịch và có sỏi phân (mũi tên đỏ)

Hình 2: Hình ảnh u nhầy ruột thừa với kích thước rất lớn, trong lòng chứa đầy dịch ( mũi tên đỏ)

Hình 3: Hình ảnh viêm, hoại tử tạo khối áp xe mạc nối (mũi tên đỏ)

Hình 4: Hình ảnh khối viêm, ứ dịch vòi trứng bên phải (mũi tên đỏ)

Hình 5: Hình ảnh ruột thừa đầu tận ở bờ dưới gan phải không viêm, trong lòng chứa khí (mũi tên đỏ)
Kết luận: viêm ruột thừa là bệnh lý cấp cứu ngoại khoa thường gặp, với sự tiến bộ của chẩn đoán hình ảnh nói chung và CT-Scanner nói riêng việc chẩn đoán xác định viêm ruột thừa cũng như các biến chứng diễn ra nhanh chóng, chính xác góp phần vào việc xử trí kịp thời cũng như hạn chế những can thiệp không cần thiết.