Xét nghiệm Troponin T siêu nhạy - Công cụ hữu ích giúp phát hiện sớm bệnh nhồi máu cơ tim
Trên thế giới mỗi năm có 2,5 triệu người chết do nhồi máu cơ tim, trong đó có 25% người chết ở giai đoạn cấp tính. Ở Hoa Kỳ, cứ 6 người chết là có một người chết vì bệnh tim mạch. Ở Việt Nam tuy chưa có số liệu thống kê đầy đủ về số bệnh nhân nhồi máu cơ tim nhưng số bệnh nhân ngày càng tăng.

Hiện nay có rất nhiều xét nghiệm thăm dò giúp các nhà lâm sàng chẩn đoán nhồi máu cơ tim như ECG, siêu âm tim, chụp động mạch vành, các xét nghiệm máu như GOT, GPT, LDH, CK, CK-MB, Pro-BNP, hs-troponin T….. Trong đó nổi bật là xét nghiệm hs-Troponin T. Đây là 1 xét nghiệm đặc hiệu nhưng lại đơn giản, dễ thực hiện, giúp các các bác sĩ chẩn đoán sớm nhồi máu cơ tim và tiên lượng bệnh động mạch vành tốt hơn.
Hs- Troponin T được định lượng bằng phương pháp miễn dịch điện hóa phát quang ECLIA với 2 kháng thể đơn dòng đặc hiệu cao, trên máy phân tích miễn dịch Cobas e601, tại khoa Hoá sinh Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí.
Troponin T tăng cao khoảng 3-4 giờ sau nhồi máu cơ tim cấp và có thể duy trì đến 2 tuần sau đó. Ngược lại với trường hợp nhồi máu cơ tim có ST chênh cao, chẩn đoán nhồi máu cơ tim không ST chênh dựa chủ yếu vào kết quả định lượng TnT. Xét nghiệm Troponin có độ chính xác cao tới 99%.
Việc áp dụng các xét nghiệm Hs- Troponin T vào thực hành lâm sàng là một bước tiến quan trọng, làm giảm rõ rệt tỉ lệ bỏ sót chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp, loại trừ sớm nhồi máu cơ tim cấp với giá trị dự báo âm tính rất cao, qua đó cho phép rút ngắn thời gian theo dõi ở khoa cấp cứu, giảm chi phí chăm sóc và giảm gánh nặng tâm lý đối với bệnh nhân và người nhà. Một bệnh nhân có biểu hiện đau ngực đến khoa cấp cứu cần tiến hành ngay lập tức XN định lượng nồng độ Troponin, tuy nhiên theo khuyến cáo của các nhà khoa học thì xét nghiệm Troponin T cần được tiến hành ít nhất là 2 lần , cách nhau khoảng 1-3 giờ đồng hồ (các khuyến cáo trước đây là từ 3-6h), sự thay đổi từ 20-50% giá trị cut-off được coi là có sự thay đổi động học. Khi đó bác sĩ có thể xác định hoặc loại trừ người bệnh có bị nhồi máu cơ tim hay không.
Tuy vậy cần nhớ là để chẩn đoán xác định nhồi máu cơ tim cấp thì không thể chỉ dựa vào một hoặc vài trị số hs-cTn. Sự tăng và/hoặc giảm hs-cTn với động học điển hình phải kèm theo một trong các tình trạng khác (triệu chứng lâm sàng thiếu máu cục bộ, thay đổi trên điện tim, bất thường vận động vùng của thành tim …..) bác sĩ lâm sàng cần nắm vững những thông tin này để sử dụng một cách hiệu quả nhất xét nghiệm hs-cTn trong xử trí các trường hợp đau ngực cấp nghi do nhồi máu cơ tim.