Thai chết lưu trong tử cung là tất cả các trường hợp thai chết mà còn lưu lại trong tử cung trên 48 giờ.
Tỷ lệ thai chết lưu ở Pháp và Úc tương ứng là 0,7% và 0,76% (chỉ tính những trường hợp bị chết sau 20 tuần so với tổng số đẻ). Tại Việt Nam tùy theo nghiên cứu tại các bệnh viện, tỷ lệ thai chết lưu từ khoảng 1% đến 4,4% so với tổng số trường hợp đẻ.
Có nhiều nguyên nhân gây thai chết lưu và cũng có khoảng 20% - 50% trường hợp không tìm thấy nguyên nhân. Do vậy việc các thai phụ trong thời gian chờ đẻ tại nhà hay tại các bệnh viện đều có thể xảy ra tình trạng thai chết lưu ở bất cứ tuổi thai nào. Nhiều trường hợp không tìm được nguyên nhân dễ dẫn đến các thắc mắc của thai phụ và gia đình đặc biệt khi đang nằm viện, hiện tượng này được ghi nhận ở rất nhiều bệnh viện Sản khoa hoặc khoa Sản ở các bệnh viện đa khoa.
- Nguyên nhân từ phía mẹ: mắc các bệnh lý mạn tính: viêm thận, suy gan, thiếu máu, lao phổi, bệnh tim, cao huyết áp, ba zơ đo (Basedow), suy giáp, tiểu đường. hoặc mắc bệnh lý tiền sản giật, nhiễm các kí sinh trùng…
- Nguyên nhân từ phía thai: rối loạn nhiễm sắc thể, thai dị dạng, thai già tháng, đa thai…
- Nguyên nhân từ phía phần phụ của thai: mọi bất thường ở dây rốn đều có thể làm thai chết lưu như: dây rốn thắt nút, dây rốn ngắn tuyệt đối, dây rốn quấn quanh cổ, quanh thân, quanh chi, dây rốn bị chèn ép hoặc bị xoắn quá mức…
Triệu chứng thai chết lưu trên 20 tuần thường là không thấy thai nhi cử động nữa, đôi khi thấy tiết sữa non hoặc ra máu âm đạo.
Chẩn đoán chính xác trên siêu âm khi không thấy hoạt động của tim thai.
.jpg)
Các sản phụ cần khám quản lý thai nghén đầy đủ, đúng lịch để có thể phát hiện sớm
các nguyên nhân dẫn đến thai chết lưu trong tử cung (nếu có)
Do rất nhiều trường hợp không tìm được nguyên nhân nên việc dự phòng thai chết lưu là một vấn đề rất phức tạp. Các sản phụ cần khám quản lý thai nghén đầy đủ, đúng lịch để có thể phát hiện sớm các nguyên nhân dẫn đến thai chết lưu trong tử cung nếu có.